Tin tức - Sự kiện

Trái quy luật, GDP 6 tháng vẫn tăng trưởng kỷ lục

03 THÁNG 7 , 2018

Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2018 đạt mức 7,08%, cao nhất trong vòng 8 năm qua. Mức tăng trưởng này đã tạm “gạt qua một bên” mối lo về chu kỳ khủng hoảng 10 năm.

Kinh tế diễn biến rất tích cực

Dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ không còn theo mô hình quý sau cao hơn quý trước đã trở thành hiện thực, khi vào cuối tuần qua, Tổng cục Thống kê chính thức công bố, tăng trưởng GDP quý II/2018 là 6,79% sau khi đã tăng trưởng tới 7,45% trong quý I (con số ước tính trước đó là 7,38%).

Với kết quả này, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt mức 7,08%, cao nhất trong vòng 8 năm qua.


Ngành chế biến, chế tạo hiện tăng trưởng mạnh, với mức tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây

Như vậy, dù tăng trưởng trái quy luật của nền kinh tế, nhưng nhìn vào các con số này có thể thấy rất rõ nền kinh tế Việt Nam vẫn diễn biến rất tích cực, khá sát với những gì mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo khi xây dựng và báo cáo Chính phủ các kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2018. Theo cơ quan tham mưu tổng hợp về kinh tế cho Chính phủ, trong kịch bản tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7%, tăng trưởng GDP quý I là 7,47%, quý II là 6,83%, còn 6 tháng là 7,11%.

“Kết quả này đã khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong việc Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói.

Theo Tổng cục Thống kê, trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,93%, đóng góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, đóng góp 48,9%; còn khu vực dịch vụ tăng 6,9%, đóng góp 41,4%.

Như vậy, ngoài sự tăng trưởng vượt bậc của khu vực nông nghiệp, thì khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế. “Khu vực công nghiệp đang giữ vai trò quyết định cho toàn nền kinh tế Việt Nam”, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) nói. Theo ông, trong sản xuất công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo đang tăng trưởng rất mạnh mẽ, với mức tăng 13,02%, cao nhất trong 7 năm trở lại đây.

Ngay cả khu vực dịch vụ, với mức tăng trưởng lên tới 6,9% - thì kỷ lục cũng được thiết lập trong 7 năm qua. “Nền kinh tế đã tăng trưởng đều ở cả 3 lĩnh vực, đó là lý do khiến tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm tiếp tục ở mức cao”, ông Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lại nhắc đến những động lực thuộc về nỗ lực cải cách thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ.

Ông Nguyễn Đình Cung cho biết, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là nguyên nhân dẫn đến kết quả tăng trưởng kinh tế quý II đạt cao. Theo ông, việc cải cách thể chế đã giúp người dân phát huy năng lực và sáng tạo nhiều hơn, qua đó thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Vơi nỗi lo chu kỳ khủng hoảng 10 năm?

Dự báo về diễn biến của nền kinh tế trong nửa cuối năm, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, xu hướng tăng trưởng quý sau thấp hơn quý trước sẽ tiếp tục. Lý do là ngoài yếu tố so sánh với nền tăng trưởng cao của hai quý cuối năm 2017, thì còn nguyên nhân sản xuất dự kiến sẽ tăng chậm hơn. Ví như với Samsung - đơn vị được cho là đã đóng góp rất lớn cho sản xuất công nghiệp và tăng trưởng kinh tế Việt Nam, dù dự kiến cuối năm có sản phẩm mới, nhưng do mức nền của 6 tháng cuối năm ngoái rất cao, nên “khó lòng vượt qua được” tốc độ tăng trưởng trước đó.

GDP 6 tháng từ năm 2011 trở lại đây tăng trưởng tương ứng mức 5,92%; 4,93%; 4,9%; 5,22%; 6,32%; 5,65%; 5,83% và 7,07%.
Tuy tốc độ tăng trưởng thấp hơn quý I, nhưng mức tăng trưởng 6,79% của quý II/2018 cũng là một kỷ lục, bởi GDP quý II năm ngoái chỉ tăng trưởng 6,17%, còn quý II năm 2016 là 5,57%, thậm chí quý II năm 2012 chỉ tăng trưởng 4,66%. Nguồn: Tổng cục Thống kê
Thông tin của Samsung Việt Nam cho biết, trong quý I năm nay, các công ty của Samsung Việt Nam đã xuất khẩu được 15 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng cao này là khó đạt được trong những quý cuối năm và do đó, sẽ tác động nhất định tới mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

“Những năm trước, các quý sau đều có nhân tố đột biến so với quý trước. Sang năm 2018, dù diễn biến của nền kinh tế đang rất thuận lợi, các nhóm ngành vẫn có sự tăng trưởng, nhưng không có điểm đột biến, do vậy dù vẫn có tăng trưởng, nhưng tốc độ sẽ chậm lại”, ông Lâm phân tích.

Bàn về vấn đề này, ông Lê Đình Ân cho rằng, điều đó không cho thấy “sự đi xuống” của nền kinh tế. “Không thể thấy tăng trưởng GDP quý sau thấp hơn quý trước mà cho rằng đó là dấu hiệu của chu kỳ khủng hoảng kinh tế 10 năm. Cho đến nay, chưa có dấu hiệu cho thấy điều này”, ông Lê Đình Ân khẳng định.

Trong khi đó, trả lời câu hỏi của báo giới về mối lo ngại chu kỳ khủng hoảng kinh tế 10 năm, ông Lâm cho rằng, điều này là khó xảy ra trong tương lai gần, nếu có phải vào khoảng năm 2021. “Giai đoạn 2018 - 2019, kinh tế toàn cầu vẫn tốt, các tổ chức tài chính vẫn dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu khá cao. Với Việt Nam, qua mấy đợt khủng hoảng, chúng tôi tin Việt Nam có giải pháp hạn chế ảnh hưởng suy giảm kinh tế toàn cầu. Nếu có diễn ra, cũng phải từ năm 2021 trở đi”, ông Lâm nhận định.

Mặc dù kinh tế đang diễn biến tích cực và trước mắt chưa phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng 10 năm, song theo ông Lâm, vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Áp lực lạm phát là một ví dụ. Hơn thế, theo ông Lâm, ngay cả mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay cũng là một thách thức lớn, phải nỗ lực mới có thể đạt được. 

Nguồn: Báo Đầu Tư