Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ bắt đầu vận hành thử vào tháng 9/2018 như cam kết với Chính phủ trước đây 3 tháng.
Bám sát lộ trình
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông trong công văn báo cáo bổ sung việc điều chỉnh tiến độ Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông (tuyến Cát Linh - Hà Đông) vừa được bộ này gửi Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, việc triển khai xây dựng tuyến Cát Linh - Hà Đông được chủ đầu tư xác nhận là “vẫn đang tiếp tục bám sát các mốc tiến độ đã đề ra, trong đó có mục tiêu gần nhất là đảm bảo đóng điện, vận hành chạy thử vào tháng 9/2018 như Bộ GTVT đã đề xuất trong công văn xin điều chỉnh tiến độ Dự án hồi tháng 3/2018”.
Trong lần đề nghị điều chỉnh tiến độ , Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh giai đoạn kết thúc xây dựng đưa tuyến Cát Linh - Hà Đông vào khai thác sử dụng trong năm 2021 với 2 đường găng tiến độ được căn chỉnh lại là: hoàn thành toàn bộ công xác xây dựng các nhà ga, đường ray, lắp đặt thiết bị trong tháng 8/2019; bắt đầu vận hành chạy thử không tải từ tháng 9/2018.
“Dự kiến, thời gian vận hành thử là từ 3 - 6 tháng, tùy thuộc vào kết quả chạy thử để tiến hành đưa Dự án vào khai thác thương mại”, Thứ trưởng Đông cho biết.
Với tiến độ đang được xin nới, Dự án sẽ chậm khoảng 11 tháng so với kế hoạch được Chính phủ và Bộ GTVT điều chỉnh hồi tháng 2/2017. Trên thực tế, nếu không giải quyết và kiểm soát chặt tiến độ, nguy cơ tuyến đường sắt đô thị này chỉ có thể hoàn thành vào năm 2019 là không thể loại trừ.
“Bộ GTVT đã chỉ đạo tư vấn giám sát có báo cáo hàng ngày, hàng tuần về tình hình triển khai thi công của Tổng thầu EPC để từ đó đánh giá tiến độ thực hiện, nguyên nhân của những chậm trễ để kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp, đảm bảo việc thi công được diễn ra thuận lợi và liên tục”, ông Đông khẳng định.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng mứcđầu tưhơn 552,8 triệu USD vào năm 2008, đến năm 2016, được điều chỉnh tổng mứcđầu tưlà 868,04 triệu USD (tăng 315,1 triệu USD). Vì tăng tổng mức đầu tư, Dự án phải vay thêmngân hàngEximbank Trung Quốc thêm 250 triệu USD.
Cần phải nói thêm rằng, trong lần điều chỉnh tiến độ gần nhất (tháng 2/2017), Dự án được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thành, khai thác thương mại vào quý I/2018. Đây là lần thứ 3 tiến hành điều chỉnh tiến độ hoàn thành cũng như tổng mức đầu tư tuyến Cát Linh - Hà Đông kể từ khi Dự án được Bộ GTVT phê duyệt vào năm 2008.
Đủ vốn cho tăng tốc
Theo ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, năng lực và kinh nghiệm hạn chế của Tổng thầu EPC Trung Quốc trong quá trình thi công công trình đường sắt đô thị là nguyên nhân chính dẫn đến việc tiến độ triển khai tuyến Cát Linh - Hà Đông luôn bị hụt hơi.
Bên cạnh đó, việc tổng thầu chia nhỏ nhiều hạng mục công việc để giao cho nhiều nhà thầu phụ đã dẫn đến việc thi công bị chồng chéo, khó kiểm soát; không giải quyết một cách tổng thể, hợp lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng với các nhà thầu phụ của Việt Nam... dẫn đến mất niềm tin từ các nhà thầu phụ.
Một nút thắt lớn nữa khiến Dự án gặp khó khăn là dòng tiền nhiều lần bị đứt quãng. Cụ thể, kể từ đầu tháng 12/2016, công tác giải ngân của khoản vay ưu đãi bên mua 250 triệu USD liên tục gặp vướng mắc do phải hạn chế giải ngân quy định bởi kế hoạch vốn nước ngoài hàng năm. Việc gia hạn thời gian rút vốn của Hiệp định 250 triệu USD bị kéo dài liên quan đến vướng mắc về điều khoản gia hạn; vướng mắc về cơ chế tài chính của Dự án đã giới hạn khả năng sử dụng linh hoạt nguồn vốn vay của các Hiệp định. Trong khi đó, Hiệp định vay bổ sung 250,62 triệu USD cho Dự án mặc dù đã được ký kết từ 11/5/2017, nhưng đến 28/12/2017 các bên mới thống nhất được ý kiến pháp lý và đến ngày 25/4/2018 mới thống nhất được 13 điều kiện cho lần giải ngân đầu tiên.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, cho đến giữa tháng 6/2018, sau khi được tháo nút thắt, Dự án đã giải ngân thêm được gần 9 triệu USD, tạo điều kiện cho tổng thầu huy động đủ nhân lực để cho các hạng mục hoàn thiện, lắp đặt thiết bị.
“Để dòng tiền Dự án được thông suốt, vào đầu tháng 5/2018, Bộ GTVT đã có báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án điều hòa, điều chỉnh sử dụng 10% vốn dự phòng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho các dự án ODA của Bộ GTVT, trong đó đã ưu tiên đề xuất bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Liên quan đến việc kéo dài giai đoạn kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác, Bộ GTVT khẳng định không ảnh hưởng đến chi phí gói thầu EPC. Tuy nhiên, do kéo dài thêm thời gian thi công đã làm phát sinh các chi phí tư vấn giám sát, trả lãi, phí và thuế các loại, chi phí quản lý điều hành; thay đổi tỷ giá giữa đồng tiền thanh toán VND và đồng tiền thanh toán USD so với tổng mức đầu tư điều chỉnh...
Qua rà soát sơ bộ cho thấy các phát sinh, thay đổi nêu trên vẫn nằm trong “đường bao” tổng mức đầu tư đã được phê duyệt điều chỉnh vào tháng 2/2016 là 868,04 triệu USD.
“Việc kéo dài giai đoạn kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác còn gây ra một số tác động như: Tiếp tục ảnh hưởng đến môi trường; khó khăn trong đi lại và sinh hoạt của người dân, chưa phát huy được hiệu quả đầu tư; tạo tâm lý không tốt của người dân đối với Dự án; kéo dài thời gian chờ việc của người lao động thực hiện trong giai đoạn vận hành, khai thác thương mại của Dự án...”, ông Đông thừa nhận.
Nguồn: Báo Đầu Tư